Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Ơn cứu độ đại đồng

Thứ Năm tuần V Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Mc 7,24-30
24Đức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. 25Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. 26Bà là người Hylạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. 27Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." 28Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con." 29Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi." 30Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
Phút cầu nguyện
---------
Suy Niệm: Ơn cứu độ đại đồng

     Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.
     Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.
     Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
     Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

--------
Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi" (Mc 7,29)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét