Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Chúng tôi đã thấy Người

Chúa Nhật III Phục Sinh, năm A
Lời Chúa: 
 Lc 24,13-35
13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18Một trong hai người tên là Cleopat trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19Đức Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy? "

Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadaret. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.

Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." 25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27

Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? " 33

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon." 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
----------
Suy niệm: Đường Emmaus

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

     Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.

     Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.

     Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.

     Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.

     Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.

     Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

--------
GỢI Ý CHIA SẺ

1) Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa?
2) Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không?
3) Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì?

---------
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35) 





Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Phép lạ từ lòng quảng đại

Thứ Sáu sau Chúa nhật II Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 6,1-15
1Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. 2Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Dothái.
5Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? " 6Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: 9"Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! " 10Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.
12Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! " 15Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
-----------
SUY NIỆM: Sự cộng tác của con người

     Kể từ năm 1891, sau khi Đức Lêô XIII ban hành thông điệp Tân sự, đã có nhiều thông điệp khác về vấn đề xã hội được công bố nhằm đánh dấu sự phát triển và đào sâu giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Năm 1931 có thông điệp kỷ niệm năm thứ 40 do Đức Piô XI ban hành; năm 1961 có thông điệp Mẹ và Thầy của Đức Gioan XXIII; năm 1981, Đức Gioan Phaolô II kỷ niệm 90 năm thông điệp Tân sự bằng Thông điệp về lao động; năm 1987 ngài ban hành thông điệp “Mối quan tâm về vấn đề xã hội” nhằm kỷ niệm 20 năm thông điệp Phát triển các dân tộc của Đức Phaolô VI; năm 1991 ngài ban hành thông điệp kỷ niệm năm thứ 100 thông điệp Tân sự.

     Tuy với những hoàn cảnh cụ thể và dưới những góc độ khác nhau, những văn kiện trên của các Giáo Hoàng đều đề cập đến những vấn đề của thời đại, đó là tương quan giữa lao động và phát triển. Giáo Hội không đề cao bất cứ một thứ chủ nghĩa chính trị và kinh tế nào. Giáo Hội không ngừng cổ võ sự phát triển dựa trên công lý và tình liên đới. Theo giáo huấn của Giáo Hội, nếu trên thế giới còn có các quốc gia nghèo khổ, là vì những nước giầu còn quá ích kỷ chưa muốn san sẻ tài nguyên và sự phát triển của họ. Nếu trong cùng một quốc gia, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng tăng, là bởi vì người giầu không muốn chia sẻ của cải mình cho người nghèo.

     Tin mừng hôm nay là một trong những trang từ đó Giáo Hội mức lấy giáo huấn của mình về vấn đề xã hội. Chúa Giêsu là Đấng toàn năng, Ngài chỉ cần phán một lời thì đám đông hơn 5.000 người đi theo Ngài có thể ăn no nê. Nhưng chúa Giêsu đã không làm thế. Phép lạ Ngài thực hiện xem chừng chỉ có thể diễn ra nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. 5 chiếc bánh và 2 con cá không là gì so với một đám đông như thế; vả lại trong xã hội Do thái thời đó, em bé vốn cũng chỉ là một con số không trong bậc thang xã hội; vậy mà từ con số không ấy, từ một sự đáp trả khiêm tốn ấy, đám đông hơn 5.000 người đã được ăn no nê.

     Bài học mà Giáo Hội đón nhận từ phép lạ ấy thật rõ ràng: lòng quảng đại, sự san sẻ của con người là chìa khoá giúp giải quyết vấn đề nghèo đói. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, vào Giaó Hội tin rằng Ngài vẫn tiếp tục nhân bánh và cá ra nhiều cho những người nghèo đói. Qua bao nhiêu thế kỷ, với những đóng góp và chia sẻ của các tín hữu, đã có biết bao người được ăn uống no nê. Những hoạt động từ thiện, những chương trình trợ giúp phát triển của Giáo Hội là những phép lạ mà Chúa Giêsu không ngừng thực hiện cho những người nghèo đói. Những mẹ Têrêxa Calcutta, những cha Pierre, những nữ tu Emmanuel và bao nhiêu gương mặt âm thầm khác trong Giáo Hội, đó là những em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá đã đóng góp vào việc thực hiện phép lạ.

     Một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá, chỉ với một đóng góp ít ỏi đó cũng đủ để Chúa Giêsu làm một phép lạ cả thể. Ngày nay liệu chúng ta có đủ lòng tin để tin rằng với một ít san sẻ do lòng quảng đại của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn đó có thể làm phép lạ để bao người đói khổ chung quanh chúng ta được ăn no nê không?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

----------
Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." (Ga 6,10)



Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Hướng nhìn lên cao

Thứ Năm sau Chúa nhật II Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 3, 31-36
31Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; 32Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. 33Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.
34Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 35Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. 36Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.
---------
SUY NIỆM: Hướng nhìn lên cao

     Tạp chí Time số tháng 4/95 có ghi lại chứng từ rất cảm động của một cựu tù nhân Mỹ tại Việt Nam, ông Avares. Là một phi công Hải quân, ông đã bị bắn hạ trong một phi vụ dọc theo duyên hải Bắc Việt ngày 5/8/1964. Ông đã bị giam tại Hoả lò trong vòng 8 năm rưỡi. Năm 1993, một nhà sản xuất phim mời ông và một nhóm cựu tù binh Mỹ trở lại Việt Nam để thực hiện một cuốn phim tài liệu. Avares đã trở lại căn phòng nơi ông bị giam, điều duy nhất ông muốn nhìn lại là hình Thánh giá trên bức tường đàng sau phòng giam mà ông đã nhìn lên đó để cầu nguyện. Lời cầu nguyện đã nâng đỡ ông trong những tháng ngày dài thiếu thốn và cô đơn. Ngày nay bức tường đã được tô vôi, cây Thánh giá đã bị một lớp sơn vẽ chồng lên, và ông cho biết có một cái gì đó đã được chôn chặt trong ông, đó không phải là hối hận hay căm thù, mà là tâm tình tri ân Thiên Chúa đã cho ông về với gia đình và đã ban cho ông ơn biết tha thứ và quên đi.

     Chứng từ của Avares cho thấy khi con người biết nhìn lên cao, con người sẽ cảm nhận được ơn Chúa trong cuộc sống của mình. Đó có lẽ là ý tưởng mà Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta. Thánh Gioan ghi lại hai cái nhìn về Chúa Giêsu: một của Nicôđêmô và một của Gioan Tẩy giả. Nicôđêmô nhìn vào Chúa Giêsu với những hiểu biết uyên bác nhưng hoàn toàn phàm tục của ông; ông lượng giá về Chúa Giêsu theo thước đo thông thường của loài người, đó là cái nhìn từ dưới đất. Trong khi đó, Gioan Tẩy giả mời gọi các môn đệ ông vượt qua cái nhìn từ dưới đất để có cái nhìn từ trên cao. Và thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô”. Với tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là với cái nhìn của tin yêu và hy vọng, người ta có thể đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được ơn Chúa ngay những lúc như bị bỏ rơi và đánh mất tất cả; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được tình thương và tha thứ ngay giữa nơi chỉ có hận thù và chết chóc.
Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta trong tâm tình ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

----------
Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời (Ga 3,36)


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Ánh sáng cuộc đời

Thứ Tư sau Chúa nhật II Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 3,16-21
16Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
19Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."
-----------
SUY NIỆM: Đi rao giảng Tin Mừng

     Câu đầu tiên của đoạn Phúc Âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại tình trạng tinh thần của các tông đồ lúc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Chúa. Tình trạng đó là tinh thần của nhóm mười một trước và liền sau biến cố Vượt Qua. Các ông chậm hiểu hay chưa hiểu gì về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu.

     Hơn nữa, sau khi Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho một số đồ đệ để những người này loan báo tin vui Chúa sống lại cho các ông, thì các ông còn cứng lòng không tin, đến độ bị Chúa khiển trách. Phúc Âm ghi lại cho chúng ta như sau: "Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. Bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người phục sinh". Các tông đồ còn có thái độ tiêu cực như vậy. Mặc dù đã theo Chúa ngay từ đầu và đã được Chúa huấn luyện đặc biệt hơn dân chúng trong suốt thời gian sống bên cạnh Chúa.

     Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không thất vọng, không bỏ đi chương trình cứu rỗi nhân loại, không rút lại những gì Chúa muốn các ngài thực hiện, vì thế, Chúa ra lệnh cho các tông đồ và cho những ai tiếp tục sứ mạng của Ngài trong dòng thời gian:

     "Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Hãy làm chứng cho Chúa khắp nơi", đây là sứ mạng quan trọng nhất liên quan đến tương lai của Giáo Hội Chúa trong lịch sử nhân loại. Sứ mạng được cô đọng lời Chúa Giêsu cho các tông đồ như sau: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin thì sẽ bị kết án". Chúa Giêsu Phục Sinh đã không ngần ngại trao phó cho những con người bất toàn một sứ mạng rất cao cả. Chúa tỏ cho thấy Người cần đến sự cộng tác của con người phàm trần, có và còn rất nhiều khuyết điểm để thực hiện sứ mạng cứu rỗi. Những khuyết điểm của những con người đã được tuyển chọn, không thể làm hư chương trình của Người.

     Nơi các Phúc Âm khác, chúng ta biết thêm là Chúa ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ để biến đổi các ông thành những con người mới, xứng đáng hơn với sứ mạng. "Các con sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và sẽ làm chứng cho Thầy". Phần thánh sử Marcô, thì ngài tóm gọn thái độ đáp trả của các tông đồ nơi câu cuối cùng của sách Phúc Âm của ngài như sau: "Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng".

     Hiện tại và tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên kinh nghiệm sống căn bản trên. Chúa luôn hoạt động với các ông, với những ai Người đã chọn và trao cho sứ mạng. Chúng ta hãy tin tưởng, vâng phục và ra đi chu toàn sứ mạng theo Lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, nhờ lời khẩn cầu của thánh sử Marcô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay, xin thương biến đổi mỗi người chúng con trở thành những tông đồ, những cộng tác viên xứng đáng và trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

------------
Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng (Ga 3, 21)


Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Sống Niềm Vui Phục Sinh

Thứ Năm Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Lc 24,35-48
 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Phút cầu nguyện
-------
SUY NIỆM: Ðau khổ là một hồng ân

     Trong ánh sáng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Khi hiện ra cho hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu đã dẫn giải cho các ông về ý nghĩa của đau khổ trong tương quan với sự phục sinh của Ngài. Ngài đã trải qua đau khổ để tiến vào vinh quang. Cuộc khổ nạn là tiền đề bắt buộc của sự sống lại. Như Phêrô có lần đã can ngăn, các môn đệ khách cũng không chấp nhận được sự kiện Chúa Giêsu phải chết, và vì thế các ông cũng không tin ở sự phục sinh của Ngài.

     Trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi để nhìn vào nỗi cay cực khốn khổ hiện tại của chúng ta. Trong huấn thị về việc làm cho chết êm dịu công bố năm 1990, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã viết:

     "Sự đau khổ, nhất là trong những giây phút cuối đời, mang một ý nghĩa đặc biệt trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thực, đau khổ là tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và kết hợp với Hy Tế cứu rỗi của Ngài. Hy Tế mà Ngài đã dâng hiến như của lễ đẹp lòng Chúa Cha".

     Mẹ Têrêsa Calcutta thì coi đau khổ như một hồng ân của Chúa, Mẹ nói:
     "Tôi tự hỏi thế giới này sẽ ra sao, nếu không có những người vô tội đang đền bù cho tất cả chúng ta. Mỗi ngày, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc sống của những người đau khổ. Ðau khổ không phải là một trừng phạt. Ðau khổ là một hồng ân. Chính vì thế cần có tâm hồn trong sạch để nhận ra bàn tay Chúa, để cảm nhận tình yêu của Ngài trong đau khổ của chúng ta".

     Ước gì ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu dọi vào tăm tối của những đau khổ thử thách của chúng ta, để trong mọi sự chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa và làm chứng cho tình yêu ấy bằng thái độ phó thác và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

---------
Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (Lc 24, 48)


Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Dung Mạo Kẻ Phản Bội

Thứ Tư Tuần Thánh
Lời Chúa: 
 Mt 26, 14-25
 14Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các Thượng tế 15mà nói: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. 17Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" 18Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." 19Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua. 20Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21Đang bữa ăn, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." 22Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" 23Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" 25Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Rápbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh nói đó!"
Phút cầu nguyện
-----------
SUY NIỆM: Dung mạo kẻ phản bội

      Trong hai ngày qua, thứ Hai và thứ Ba Tuần Thánh, và hôm nay nữa, thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người đồ đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh.

     Giuđa đã âm mưu nộp Chúa cho các thượng tế và đã thành công giấu ý định này không cho các môn đệ khác biết, nhưng Giuđa đã không thể nào giấu điều đó với Chúa Giêsu được. Chúa biết hết nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa cho đến cùng. Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Dĩ nhiên, là người thủ quĩ, Giuđa thản nhiên tham dự vào bữa tiệc, mặc dù đoạn Phúc Âm không nói ra. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy", và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu. Thấy các môn đệ lần lượt hỏi Chúa xem có phải là họ hay không, thì Giuđa cũng làm theo như vậy. Tệ hơn nữa, Giuđa dùng từ ngữ không còn ý nghĩa kính trọng đối với Chúa Giêsu trong câu hỏi đặt ra cho Chúa, vì trong khi các môn đệ khác gọi Thầy là Chúa với lòng kính trọng, thì Giuđa dùng một từ ngữ chỉ dành riêng cho một người tầm thường là Rabbi (thưa thầy). Kể từ khi chấp nhận mức giá trị đặt Chúa ngang hàng như một người tôi tớ chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa như là Ðấng Cứu Rỗi. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa cho đến khi quá trễ. Khi Chúa bị kết án tử hình, thì Giuđa hối hận đi tự tử, như được kể lại nơi đầu chương 27 Phúc Âm thánh Mátthêu.

     Phần Chúa Giêsu, Ðấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc, Ngài vẫn kính trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: "Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn". Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa nhằm làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào vì ngoan cố không chịu quay trở về. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này. Không phải tất cả mọi người đều biết khám phá và đáp trả tình yêu của Chúa đối với họ, thời nào cũng vậy, cũng có những người không nhìn nhận tình yêu Chúa.

     Lạy Chúa, xin đừng để con sống trong tự phụ mù quáng. Xin đừng để con bị những lợi lộc vật chất làm cho con trở nên ngoan cố chống lại Chúa. Xin cho con biết noi gương thánh Phaolô tông đồ quay về với Chúa và dùng phần cuộc đời còn lại cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, đến độ có thể nói như Ngài: "Nhờ ơn Chúa tôi được như ngày nay. Ơn Chúa đã không trở nên vô ích nơi tôi. Ước được như vậy".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

-----------
Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người,
nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người (Mt 26,24)


Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Qua đau khổ vào vinh quang

Chúa Nhật Lễ Lá
Lời Chúa: 
 Mt 21,1-11
1Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Đức Giêsu sai hai môn đệ và 2bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. 3Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay." 4Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: 5"Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ. 6Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giêsu đã truyền. 7Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên. 8Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời. 10Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: "Ông này là ai vậy?" 11Dân chúng trả lời: "Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy."
---------
Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa (Mt 21,5)

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Người công chính

Thứ Bảy Tuần thứ 5 Mùa Chay
Lời Chúa: 
 Ga 11,45-56

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

--------
Phút cầu nguyện

-------

SUY NIỆM: Chết thay người khác

     Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha đã tình nguyện sang truyền giáo tại Nhật trong ngành ấn loát. Nhưng sau vì bệnh lao phổi, cha phải về Ba Lan điều trị. Vào thế chiến thứ hai, vì thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quân chúng. Đức quốc xã đã bắt cha và giam vào tù, tại đây cha đã tình nguyện chết thay cho một người bạn đồng tù.

     Phải chết thay người khác có thể là một hành động do hận thù bất công, nhưng với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do Thái không tin đã bắt Chúa phải chết thay để người Rôma khỏi hủy diệt dân tộc Do Thái, nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.

     Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn: Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người.

     Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Đây là bằng chứng để biết được lòng mến, đó là Đấng ấy đã thí mạng vì ta và ta cũng phải thí mạng vì anh em. Con hỏi cha: đâu là mức độ dấn thân? Hãy làm như Chúa Giêsu… Cuộc đời con phải hiến dâng để bắt nhịp cầu hy vọng đưa người khác đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Nơi Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em. Con nắm vững một đường lối Tông đồ thí mạng vì anh em, con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục người khác về với Chúa”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

--------
"Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối"