Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Nên một trong Chúa

Thứ Năm tuần VII mùa Phục Sinh - Đầu tháng
Lời Chúa: 
 Ga 17,20-26
20 Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, 21 để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. 22 Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. 23Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. 24 Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. 25 Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. 26 Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".
Phút cầu nguyện
------
SUY NIỆM: Sức mạnh của hiệp nhất

Có một câu truyện cổ như sau: Trong một buổi hội họp của tất cả các muông thú rừng xanh, dòng giống nhà cọp đã dành được ngôi vị Chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn. Trước khi phóng mũi tên, bác thợ săn nói với cọp:
- Hỡi Chúa sơn lâm, hãy đón nhận điều mà con người gửi đến các muông thú.
Và mũi tên đã cắm phập vào lưng cọp. Quá đau đớn, cọp đã chạy trốn vào rừng rậm. Thấy cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi: tại sao? Cọp lắc đầu đáp:
- Chỉ một lời con người muốn nói với ta, mà đã làm ta đau đớn thế này, thì làm sao chúng ta có thể chống lại bọn họ.
Sói già an ủi cọp:
- Điều suy nghĩ của Chúa sơn lâm thực tế, tuy nhiên, Chúa sơn lâm lại quên một điều là nếu tất cả muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Như nhà sói chúng tôi đây tuy sức mạnh không bằng Chúa sơn lâm, nhưng cả một bày sói, với sức mạnh tổng hợp, chúng tôi có thể làm thịt người thợ săn.
Ý kiến ấy thật hay, nhưng thú rừng vẫn bị tiêu diệt, vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ hiệp nhất.

     Trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ và bị quyền lực sự dữ tấn công, nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại như Nguyên tổ của họ ngày xưa. Bởi thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho họ được hiệp nhất nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ngài không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người đến nguy cơ ỷ lại vào mình; Ngài cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người lọt vào hố sâu của tham vọng.

     Khi cầu nguyện cho cộng đoàn những kẻ nhờ lời các Tông đồ mà tin, Chúa Giêsu đã không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, mà chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu, họ cũng ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.

     Người kitô hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu bằng cách sống yêu thương hiệp nhất. Chắc chắn không ai trong chúng ta có thể đứng vững một mình nhưng phải liên kết với nhau để thông truyền sức sống. Muốn liên kết với nhau, chúng ta cần phải ra khỏi con người ích kỷ của mình, phải từ bỏ nhiều tật xấu cố hữu của mình, nhờ đó chúng ta sẽ nên một trong Chúa và được chiêm ngưỡng quyền năng vinh quang Chúa hoạt động nơi chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
-------
"Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con,
để chúng được hoàn toàn nên một." (Ga 17,23)


Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Nhận ra dấu chỉ của Chúa

Thứ Tư 31-05-2017, Đức Maria thăm bà Êlisabet, Lễ Kính

Trong khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Hội Thánh mừng lễ Đức Maria đi thăm viếng bà Êlisabét. Lễ này mừng biến cố hai bà mẹ gặp nhau, nhưng nhất là, mừng Chúa Cứu Thế trong lòng Đức Mẹ gặp gỡ vị Tiền Hô của mình trong lòng bà Êlisabét. Lễ này tràn ngập niềm vui của bài thánh ca “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.

Lời Chúa:  Lc 1, 39-56
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.
"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

---------
Ngày lễ này đã được Đức Urban VI thiết lập vào năm 1389, vào khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với những chi tiết Phúc Âm. Ngày lễ hôm nay ghi nhớ việc Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Elizabeth, lúc ấy đã cao niên và đang có thai. Mẹ đến để chia sẻ niềm vui về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai chị em. Ngày lễ này - nhằm ngày kết thúc tháng Năm kính Mẹ – cho chúng ta thấy tinh thần chiêm niệm, sự phục vụ, và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, dạy chúng ta biết mỗi khi đi đâu, chúng ta cũng phải theo gương Mẹ Maria, trở nên một nguồn vui cho toàn thể nhân loại.

---------
SUY NIỆM: Lòng tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống

George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".

     Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.

     Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Isave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.

     Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.

     Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Isave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.

     Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’)

----------
Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa.



Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Lời nguyện hiến tế

Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 17, 1-11a
1 Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. 2 Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. 3 Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

4 "Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. 5 Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. 6 Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. 7 Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra.

8 Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con. 9 "Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. 10 Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. 11a Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha".
Phút Cầu nguyện
-------
SUY NIỆM: Ngưỡng cửa vào sự sống

     Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, giờ của Chúa chính là lúc Ngài thể hiện việc cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu có tột đỉnh là thập giá. Ðối với Ngài, thập giá là đường dẫn đến vinh quang. Qua thập giá, Chúa Giêsu làm vinh hiển Chúa Cha cũng như là vinh hiển Ngài.

     Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha ủy thác. Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa; và hướng về thập giá con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi đã ban Người Con Một cho thế gian.

     Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu vì thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc bởi vì đã có sự phục sinh kèm theo, cái chết đó chỉ là tỏ lộ cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời.

     Ngưỡng cửa Chúa Giêsu bước qua đó vẫn được mở ngỏ chờ đợi những kẻ theo Ngài tiến vào. Theo Chúa Giêsu, người Kitô không thể đứng ngoài con đường của Ngài. Ðường Ngài đi chỉ có một cửa dẫn vào.

     Ước gì chúng ta luôn biết đón nhận mọi đau khổ hy sinh, kể cả cái chết để làm vinh hiển Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

-------
Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con,
con đã cho họ biết danh Cha (Ga 17,6)


Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Lòng tin vào Thiên Chúa

Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 16,29-33
29 Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Đúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. 30 Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra". 31 Chúa Giêsu đáp lại các ông: "Bây giờ các con mới tin ư? 32 Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. 33 Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Phút cầu nguyện
-------
SUY NIỆM: Nương tựa vào Chúa

     Cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay, đã được thực hiện trong khung cảnh Bữa Tiệc ly, trước giờ Chúa Giêsu vượt qua khỏi đời này để về cùng Cha. Trong những giờ phút đó, Chúa Giêsu cảm thấy được an ủi khi nghe lời tuyên xưng từ miệng các môn đệ Ngài: “Giờ đây chúng con nhận ra là Thày biết hết mọi sự… Vì thế chúng con tin Thày từ Thiên Chúa mà đến”. Có thể gọi đó là lời tuyên xưng niềm tin của các môn đệ; nó không phải là những lời bộc phát, nhưng được kết tinh sau ba năm theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến các phép lạ Ngài làm.

     Đáp lại lời tuyên xưng ấy, Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ về sự yếu đuối mỏng dòn của niềm tin nơi con người, đồng thời cho các ông thấy đâu là nơi nương tựa vững chắc nhất. Như Phêrô vừa tuyên xưng “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” thì liền sau đó lại ngăn cản Thày đi vào con đường khổ nạn dẫn tới vinh quang; vừa khẳng quyết theo Thày đến tận cùng, nhưng rồi lại lớn tiếng chối bỏ Thày. Các môn đệ giờ đây tin nhận “Thày từ Thiên Chúa mà đến” nhưng khi giờ đến, các ông sẽ tản mác mỗi người một nơi, bỏ mặc Thày một mình. Nhưng dù có bị các môn đệ bỏ rơi, Chúa Giêsu cũng không đơn độc một mình, bởi vì có Chúa Cha hằng ở với Ngài.

     Những kẻ theo Chúa ngày hôm nay cũng có những lúc cảm thấy bị bỏ rơi và không biết tìm nương tựa nơi đâu? Họ chỉ có một nơi nương tựa duy nhất đó là Thiên Chúa, Đấng hằng quan tâm săn sóc con người và ban ơn trợ lực để giúp họ thắng vượt mọi thử thách. Chúa Giêsu đã báo trước các yếu đuối của các môn đệ cũng như những gian truân các ông sẽ phải chịu, nhưng không để làm các ông lo sợ, trái lại để các ông thêm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.

     Nguyện xin Chúa gia tăng nơi chúng ta niềm cậy trông phó thác, để giữa những đêm tối của cuộc đời, chúng ta luôn được bình an, tin tưởng, vì biết rằng có Chúa hằng ở cùng chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

--------
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16,33)


Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Lời hứa trọng đại

Chúa Nhật VII Phục Sinh, Chúa Thăng Thiên
Lời Chúa: 
 Mt 28,16-20
16Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."


-------
Xây dựng Nước Trời

(Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

     Chúng ta vừa nghe những câu cuối cùng trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Đây là những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi từ giã trần gian về trời. Nên có tầm quan trọng rất lớn. Chính vì thế Chúa Giêsu triệu tập các môn đệ lên một ngọn núi cao. Trong Tin mừng, những biến cố quan trọng bao giờ cũng diễn ra trên ngọn núi cao. Chúa ký kết giao ước với dân Do thái trên núi. Chúa giảng bài giảng đầu tiên trên núi. Chúa biến hình trên núi. Chúa chịu chết trên núi. Và hôm nay Chúa trao sứ điệp cuối cùng trên núi. Sứ điệp này thật quan trọng vì cho ta hiểu được định mệnh của con người, hiểu được sự thật về Nước Trời và hướng dẫn đời sống của ta trên trần gian.

Sứ điệp đó cho thấy định mệnh con người.

     Chúa Giêsu nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Khi bị treo trên thánh giá, không một mảnh vải che thân, ai cũng nghĩ là Chúa Giêsu đã mất tất cả. Nhưng hôm nay khi về trời, Chúa Giêsu được tất cả. Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã từ chối cơn cám dỗ thờ lạy ma quỉ nhằm được lợi lộc trần gian. Thì nay Đức Chúa Cha đem tất cả đặt dưới chân Người. Là người đầu tiên về trời, Chúa Giêsu mở cho ta một chân trời hi vọng. Định mệnh con người không bị tàn lụi đi theo thân xác ở trần gian, nhưng triển nở đến vô tận trên Nước Trời. Định mệnh con người không chìm trong nhục nhằn thống khổ, nhưng sẽ trổi vượt trong vinh quang trên Nước Trời. Định mệnh con người không phải chịu giam cầm trong số phận xác đất vật hèn ngang hàng với cỏ cây súc vật, nhưng sẽ được nâng lên ngang hàng với các bậc thần thánh trên Nước Trời.

Sứ điệp đó cho thấy sự thật về Nước Trời.

     Chúa Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Theo quan niệm dân gian ta thường phân chia trời với đất. Trời cách xa đất ngàn trùng. Đất chẳng bao giờ với được tới trời. Trời chẳng bao giờ có thể cúi xuống tới đất. Nhưng với lời Chúa Giêsu hôm nay, ta thấy trời đất không cách xa nhau. Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên cạnh ta mọi ngày mọi giờ cho đến tận thế. Chúa Giêsu không nói Chúa sẽ lên trời, nhưng Chúa thường nói Người sẽ về với Chúa Cha. Nước Trời chính là sự sống trong Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Nước Trời chính là sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nước Trời là được hưởng hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế Nước Trời là một trạng thái chứ không phải một nơi chốn. Ai sống trong tình yêu Thiên Chúa thì đã ở trong Nước Trời rồi.

Sứ điệp đó cho thấy sứ mạng của người môn đệ.

     Chính vì không cách biệt mà trời và đất không đối lập nhau. Trời không tách rời đất. Đất không đối lập với trời. Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ, trên mặt đất. Trái đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời. Đó là sứ mạng của người môn đệ. Đó là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu. Xây dựng bằng cách nào. Thưa bằng “dậy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”. Những điều Chúa Giêsu dậy đã được tóm tắt trong điều răn mới: “Thầy truyền cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Điều răn mới này thay thế mọi điều răn cũ. Như thế sứ mạng của người môn đệ Chúa là sống yêu thương, là làm cho mọi người sống yêu thương. Khi mọi người biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, Nước Trời đã hiện diện.
Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu về trời, ta hiểu rằng định mệnh của chúng ta thật cao quí vì không kết thúc ở trần gian mà còn tiếp tục trên Nước Trời. Ta hiểu rằng Trời và Đất không cách xa đối lập nhau, nhưng Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ trên mặt đất và Trái Đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời. Ta hiểu rằng sứ mạng của ta phải nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu, sống yêu thương và làm cho mọi người sống trong yêu thương. Khi ta hoàn thành sứ mạng như Chúa Giêsu ta sẽ được chung phần hạnh phúc với Chúa.
Lạy Chúa xin nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

-------
Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20)


Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Thầy đi đâu?

Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga16,5-11
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử".
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
-------
SUY NIỆM
Suy niệm của Lm. Trọng Hương

A. Hạt giống...
Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy kitô hữu.  Ngài sẽ dạy kitô hữu biết sự thật, sự thật toàn vẹn

B. ... nẩy mầm.
1. “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con nhưng bây giờ chúng con không chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn chúng con tới sự thật toàn vẹn”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần: Sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật toàn vẹn:
- Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình: mình xấu mà mình nghĩ mình tốt, mình sai mà mình nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, như lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con”. Bởi thế mỗi người chúng ta đều cần biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: thỉnh thoảng chúng ta nên xét mình thành thật trong ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ con người mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ là sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

3. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”
“Giê-su, ông là ai ?”. Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giê-su, ông là ai ?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel . Khi Đức Giê su đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người; lúc đó, Đức Giê su biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giê su lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot làm thủ lãnh.
Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.
“Giê-su, Ngài là ai ?” là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời.“ Giê-su, Ngài là ai?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.
Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các muôn đệ mới hiểu và tin vào lời Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có thần khí của Ngài hướng dẫn Nguyện xin Thánh Thần Chúa toả trên chúng con. (Epphata)

(Nguồn: http://gplongxuyen.org)

--------

"Nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con".  (Ga 16,8)


Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Vâng giữ Lời Ngài

Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm A
Lời Chúa: 
 Ga 14,15-21
15Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
Phút cầu nguyện
-------
Sự sống mới
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

     Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

     Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

     Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

     Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.
Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

     Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

     Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

     Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.

     Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

     Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.

     Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.
------
GỢI Ý CHIA SẺ

1- Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?
2- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?
3- Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?

----------
Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. (Ga 14,21)