Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Chấp nhận bị quấy rầy

Thứ Hai tuần V Thường Niên A
Lời Chúa: 
Mc 6,53-56
53Khi qua biển rồi, Đức Giêsu và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghennêxarét và lên bờ. 54Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. 55Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
--------
 Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, Lễ nhớ
Ngày 05 tháng 02 năm 1597, hai mươi sáu Kitô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Nagasaki (Nhật Bản). Trong số đó có những nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxicô, nhưng còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phaolô Miki (sinh khoảng năm 1564/1566) và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ, và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô.
--------
Suy Niệm: Chấp nhận bị quấy rầy

     Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.
     Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.
Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.
     Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
-------
"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét