Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Đến với Người, ở với Người

Thứ Sáu Tuần II Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Mc 3,13-19
13Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, 15với quyền trừ quỷ. 16Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simôn là Phêrô, 17rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi, 18rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, 19và Giuđa Ítcariốt là chính kẻ nộp Người.
Phút cầu nguyện
-------
Suy Niệm: Những kẻ Người muốn

     Rồi Người lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc. 3, 13-14)
Để hiểu sâu bài Phúc âm hôm nay, một lần nữa chúng ta còn tìm ra được vài chi tiết khác thánh Maccô muốn làm nổi lên hình ảnh con người Đức Giêsu.
     Vì thế, để gây ý thức về tiếng gọi mà mười hai Tông đồ đã nhận được, cũng như về ơn gọi của các ông, thánh Maccô ghi lại rằng: “Người gọi những kẻ Người muốn và Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.”
    
 Những kẻ Người muốn
    Có lẽ ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng Chúa Giêsu đã có những sự lựa chọn. Phải chăng Người không đến” kêu gọi những người tội lỗi”? Như thế, theo nguyên tắc, mọi người trong cái nhân loại ốm đau này có lẽ phải được làm tông đồ mới phải!
Người ta giải thích sự Chúa tuyển chọn như sau: lời mời gọi của Chúa diễn ra ỏ hai mức độ, và mỗi người chúng ta đều được gọi hai lần. Tiên vàn là kêu gọi đón nhận đức tin, sám hối, gia nhập Nước Tròi, hưởng ơn cứu độ. Sứ mệnh của Đức Kitô có mục đích tối hậu là làm vang lên tiếng mời gọi của Chúa Cha “Anh em hãy đến!”
Nhưng cũng có tiếng mời gọi khác gởi đến từng người giúp họ xác định vị trí hoạt động, chọn lựa phần đóng góp của mình trong Nhiệm Thể Chúa Kitô: “những người này Chúa đã cho làm tông đồ, những người kia làm tiên tri; người được ơn chữa bệnh, người khác lại được ơn diễn giải”. Chúa Giêsu muốn cho tất cả chúng ta, mỗi người giữ một vị trí nhất định.

“Để các ông ở với Người và đi rao giảng”
     Nếu chúng ta muốn hiểu biết chức vụ linh mục, hiểu biết linh mục là gì, phải trở lại hai chức năng được Chúa Giêsu gán cho Nhóm Mười Hai là “ở với Người và được sai đi rao giảng”.
     Nhờ bí tích truyền chúc, linh mục được đặt để ở với Chúa Giêsu. Người ta thường đòi hỏi linh mục sống hòa mình với mọi người, ngang tầm với họ, phục vụ họ. Đòi hỏi linh mục cùng tầm vóc với Chúa Giêsu, ở với Người, thiết tưởng lại không phải là điều tốt hơn và chính đáng hơn sao? Linh mục bỏ ra một chút thời giờ trong ngày dể truyện trò với Chúa Giêsu không phải là điều tốt đẹp sao? Hãy truyện trò với Chúa đã, rồi mới đi ra ngoài! Rồi mới giảng giải và hội họp!.
(Nguồn: http://gplongxuyen.org)

-------

Người lập Nhóm Mười Hai,
để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng (Mc 3,14) 


Chữa lành nhiều bệnh nhân

Thứ Năm Tuần II Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Mc 3,7-12
7Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, 8từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa!" 12Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
Phút cầu nguyện
---------
Suy Niệm: Hiểu biết Chúa Giêsu

     Có một giai thoại về Trang Tử như sau: Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, một người thợ rừng hỏi: "Tại sao cây này không dùng được?", Trang tử liền nói: "Cây này vì bất tài mà được sống lâu". Về đến nhà, nguời thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử:
- Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?
Trang Tử cười và nói:
- Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.
Ðông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều. Nhưng biết không chỉ là biết sự vật, mà là biết con người, và biết con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.
     Trong Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu. Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.
     Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
     Ước gì tâm tình và xác tín của Thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta từng giây phút của cuộc sống.
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
-------

Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân (Mc 3,10)




Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Hãy đón Chúa

Thứ Tư tuần II Thường niên A
Lời Chúa: 
 Mc 3, 1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.
Phút Cầu nguyện
------------
Suy Niệm: Phản ứng của Chúa Giêsu

     Trong diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Toà Thánh nhân dịp Năm Mới 1996, Ðức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ tố giác các đàn áp Kitô hữu; Ngài nhận định như sau: "Người ta không thể đàn áp mãi hàng triệu tín hữu, nghi ngờ hoặc chia rẽ họ, mà những hành động đó lại không đưa đến những hậu quả tiêu cực, chẳng những đối với uy tín của các quốc gia trên trường quốc tế, mà cả trong nội bộ các xã hội liên hệ; trái lại, những mối quan hệ tốt giữa các Giáo Hội và nhà nước góp phần vào sự hòa hợp mọi thành phần trong xã hội".
     Vừa đàn áp, vừa kêu gọi tin tưởng, chỉ có người mù quáng mới không thấy được sự mâu thuẫn trong hành động của mình. Người mù lòa ít ra còn biết mình không thấy, nhưng kẻ mù quáng vốn có mắt, nhưng lại không nhìn thấy.
     Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người Biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần được một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: "Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ". Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
     Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, duy chỉ có một thái độ Ngài không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối, con người sa ngã là chuyện bình thường, nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân danh đạo lý và pháp luật để khước từ yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần, tội không thể tha thứ được. Thật thế, khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, khi con người khước từ yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi các môn đệ đề cao cảnh giác trước men Biệt phái.
     Nguyện xin Chúa giúp chúng ta ghi tạc Lời Chúa để tránh khỏi men giả hình và mù quáng ấy. Xin Ngài cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta và đáp lại tiếng gọi thống hối và hoán cải không ngừng của Chúa. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim luôn biết rung động trước nỗi đau khổ của đồng loại và đôi tay luôn biết rộng mở để săn sóc chữa trị và san sẻ trao ban cho mọi người.
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
--------

Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?" (Mc 3,4)




Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Con Người làm chủ ngày Sabát

Thứ Ba tuần II Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Mc 2,23-28

23Vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: "Ông coi, ngày Sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!" 25Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế." 27Người nói tiếp: "Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. 28Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát."
Phút cầu nguyện
------
Suy Niệm : Linh hồn của Lề Luật

     Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von như sau: "Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại". Ðây là một sự thật đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.
     Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến Hội đường.
     Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
     Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần yêu thương ấy.
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
---------

Con Người làm chủ ngày Sabát
(Mc 2,28)


Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Khi chàng rể còn ở với họ

Thứ Hai Tuần II Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Mc 2,18-22
18Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: "Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" 19Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!"
Phút cầu nguyện
------
Suy Niệm: Cốt lõi của đạo
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
Trong những thập niên gần đây, mặc dầu càng lúc Hiến pháp các quốc gia càng đi sâu vào sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước; thế nhưng, sự liên kết giữa tôn giáo và chính trị lại càng đậm nét hơn. Cuộc chiến giữa Tư bản và Cộng sản đã hầu như chấm dứt, nhưng chiến tranh tôn giáo xem chừng vẫn dai dẳng, không những giữa những người khác tôn giáo với nhau, mà ngay cả trong cùng một tôn giáo. Nhìn vào thảm cảnh ấy, ai cũng thắc mắc tự hỏi: Tôn giáo nào mà không dạy ăn ngay ở lành, tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung tha thứ, thế thì tại sao những người có tôn giáo lại nhân danh tôn giáo của mình để gây chiến với người khác hay với chính những người đồng đạo của mình? Câu trả lời thật đơn giản: sở dĩ người có tôn giáo có thái độ quá khích và bất khoan nhượng, là vì họ chưa sống đúng cái cốt lõi của đạo. Xét cho cùng, cái cốt lõi của tôn giáo nào cũng là tình thương.
Chúa Giêsu cũng muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là sống đạo. Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ và lời dạy của Ngài trong Tin Mừng hôm nay. Vừa bắt đầu sứ mệnh rao giảng của Ngài, cũng như các kinh sư của thời đại Ngài, Chúa Giêsu cũng qui tụ một số môn đệ; và cũng như các môn đệ của các kinh sư khác, môn đệ của Ngài cũng theo một lối sống nào đó. Thế nhưng, điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên và đặt vấn đề, đó là Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không tuân giữ một số ngày chay tịnh như môn đệ của Gioan hay của những người Biệt phái. Không tuân giữ những ngày chay tịnh đã đành, sau này xem ra Chúa Giêsu càng thách thức hơn nữa, khi Ngài không tuân giữ cả ngày hưu lễ hay một số tập tục khác, như rửa tay trước khi ăn.
Suốt cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã tỏ ra rất độc lập đối với Do thái giáo. Ðây quả là cách sống đạo hoàn toàn mới mẻ mà Chúa Giêsu muốn đề ra cho con người. Ðối với Ngài, linh hồn và cốt lõi của đạo chính là tình thương; tình thương ấy đã thúc đẩy Ngài đi đến tận cùng bằng cái chết trên Thập giá, và cái chết của Ngài mãi mãi là lời tố cáo về thái độ bất khoan nhượng trong niềm tin tôn giáo của con người. Vụ án của Ngài được thi hành như một vụ án chính trị; mãi mãi tên tuổi của viên toàn quyền La mã là Philatô gắn liền với cái chết của Ngài. Tuy nhiên, vụ án của Chúa Giêsu vẫn là một vụ án tôn giáo: Ngài chết vì sự cuồng tín và thái độ bất khoan nhượng của các thủ lãnh Do thái giáo.
Chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài và lắng nghe giáo huấn của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Trong cuộc sống đạo, nhiều lúc chúng ta thắc mắc phải ăn chay thế nào cho đúng cách? Ngày Chúa nhật có được làm việc xác không? Bỏ lễ Chúa nhật có tội hay không? Thật ra còn có nhiều câu hỏi nền tảng hơn mà thiết tưởng chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi có phải là một tội không?
Nguyện xin Chúa cho chúng ta ngày càng thấu hiểu và xác tín rằng sống đạo là sống yêu thương, rằng cốt lõi của Kitô giáo chính là tình thương.



Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Hành trình ơn gọi

Chúa Nhật II Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Ga 1,29-34
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."
------
Suy niệm 1: Đây Chiên Thiên Chúa
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.
Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.
Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.
Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.
Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.
Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.
Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.
Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?
2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?
3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?
---------

Suy niệm 2: Giới thiệu Chúa Kitô
GM Giuse Vũ Duy Thống
Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ. Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình. Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.
Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.
1) Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân
Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II). Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người. Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.
Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân. Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác. Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.
Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng”.
2) Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ
Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:
Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người là mà như mình tưởng, mình nghĩ. Coi chừng! Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người”. Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.
Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa. Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào. Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà”. Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh. Thế thôi.
Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người. Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây. Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
3) Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần
Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình. Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Đó là yếu tố thuộc về căn tính.
Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình. Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường. Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.
Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu. Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần. Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.
Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.
Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.
Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa. Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.
Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo. Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì. Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy”.
Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.
---------
Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (Ga 1, 29)


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Kêu gọi người tội lỗi

Thứ Bảy Tuần I Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Mc 2,13-17
13Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.14Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. 15Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. 16Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!" 17Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Phút cầu nguyện
--------
Suy Niệm: Kêu gọi người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".
Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
-------
Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2,17)