Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Hành trình ơn gọi

Chúa Nhật II Thường Niên A
Lời Chúa: 
 Ga 1,29-34
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."
------
Suy niệm 1: Đây Chiên Thiên Chúa
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.
Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.
Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.
Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.
Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.
Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.
Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.
Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?
2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?
3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?
---------

Suy niệm 2: Giới thiệu Chúa Kitô
GM Giuse Vũ Duy Thống
Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ. Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình. Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.
Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.
1) Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân
Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II). Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người. Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.
Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân. Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác. Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.
Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng”.
2) Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ
Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:
Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người là mà như mình tưởng, mình nghĩ. Coi chừng! Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người”. Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.
Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa. Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào. Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà”. Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh. Thế thôi.
Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người. Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây. Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
3) Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần
Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình. Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Đó là yếu tố thuộc về căn tính.
Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình. Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường. Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.
Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu. Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần. Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.
Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.
Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.
Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa. Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.
Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo. Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì. Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy”.
Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.
---------
Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (Ga 1, 29)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét